Ngày 1: Sài Gòn – Mũi Kê Gà – Phan Thiết
Để di chuyển đến đảo Phú Quý bạn cần phải tới thành phố Phan Thiết trước, từ Sài Gòn có nhiều cách để bạn di chuyển đến Phan Thiết như: Xe khách, tàu hỏa, xe cá nhân. Tuy nhiên, nhóm tụi mình di chuyển từ Sài Gòn đến Phan Thiết bằng xe máy, đi cung đường ven biển Lagi, ngang qua Mũi Kê Gà.
Theo quốc lộ 1A khoảng 130km từ Cầu Sài Gòn đến ngã 3 Bốn Sáu (cách TP. Phan Thiết 46km) bạn rẽ phải vào QL 55, đi khoảng 17km sẽ thấy 1 vòng xoay lớn, rẽ trái chạy đến cuối đường (UBND thị xã Lagi) rồi rẽ phải vào đường Nguyễn Chí Thanh. Đi thêm khoảng 18km sẽ gặp đường DT 719 (Trên đường đi sẽ ngang qua chợ Tân Hải). Rẽ phải vào đường này và đi thêm 15km nữa là tới mũi Kê Gà.
Điểm cộng cho cung đường này là đường đẹp, ít xe tải, khung cảnh khá hoang sơ, bạn sẽ được thỏa thích ngắm cảnh đẹp của biển và những vườn thanh g ngút tầm mắt. Tuy nhiên, đi cung đường ven biển này sẽ xa hơn so với việc bạn đi thẳng từ Sài Gòn đến Phan Thiết bằng đường quốc lộ 1A.
Nếu chạy xe máy từ Sài Gòn khoảng 6 giờ sáng, tùy vào thời gian nghỉ chân của các bạn, thì khoảng đầu giờ trưa là bạn có mặt ở Mũi Kê Gà. Tại đây, bạn có thể thuê ca nô ra thăm ngọn Hải đăng Kê Gà, với giá khứ hồi khoảng 50.000 đồng/người.
Mũi Kê Gà nằm tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, cách Phan Thiết khoảng 30 km. Mũi Kê Gà đúng ra là một hòn đảo nhỏ cách đất liền khoảng 500 mét, tục gọi là Hòn Bà. Khi thủy triều lên thì Kê Gà bị cách biệt như một hải đảo nhưng khi nước rút xuống thì một dải cát hiện ra nối mũi Kê Gà vào đất liền.
Sau khi vui chơi ở Mũi Kê Gà, khoảng 4 giờ chiều các bạn nên di chuyển về Phan Thiết để nhận phòng khách sạn, tắm rửa, và nghỉ đêm ở đây.
Buổi tối ở Phan Thiết bạn có thể đi dạo biển Đồi Dương, và ăn tối với các món như: Bánh xèo, mì Quảng, bánh căn,… Nếu muốn ăn bánh xèo bạn có thể ghé đường Tuyên Quang, đây là con đường nổi tiếng với món bánh xèo, bạn có thể ăn ở bất kỳ tiệm nào trên con đường này. Tuy nhiên, dọc đường này nổi tiếng nhất là hai quán Cây Xoài và Cây Phượng. Nếu bạn không thích ăn ngọt thì nên chọn quán Cây Phượng.
---------------------------------------------------------------------
Ngày 2: Phan Thiết – Đảo Phú Quý
Chỉ có một cách duy nhất để ra đảo là tới bến cảng thành phố Phan Thiết và đón tàu để tới Phú Quý, trước đây du khách phải mất 6 tiếng ngồi trên tàu Bình Thuận 16 hoặc tàu Bình Thuận 18 để tới đảo. Tuy nhiên hiện nay đã có tàu trung tốc Hưng Phát 26 và cao tốc SAVANNA Phú Quý – Khải Thịnh KG, giúp rút ngắn khoảng cách từ Phan Thiết ra đảo chỉ còn 3,5 tiếng đối với tàu trung tốc, và 2,5 tiếng đối với tàu cao tốc. Điểm đặc biệt bạn cần lưu ý là không phải ngày nào cũng có tàu chạy ra đảo, mà tàu sẽ chạy dựa vào thời tiết, do vậy trước khi đi bạn nên liên hệ với cảng để xem lịch tàu chạy.
Đặt vé tàu vào giờ hành chính kể cả Chủ Nhật và ngày lễ liên hệ trực tiếp với: Cảng vụ Phú Quý (062) 3 506 374; cảng vụ Phan Thiết (062) 3 506 358.
Giá vé tàu nhanh: (thời gian di chuyển 3,5 giờ)
- Ghế hay giường thường: 250.000 đồng/ người
- Giường máy lạnh: 350.000 đồng/ người
Giá vé tàu chậm (thời gian di chuyển 6 giờ):
- Ghế thường 150.000 đồng/ người
- Ghế phòng 250.000 đồng/ người
Giá gửi xe máy ra đảo khứ hồi: xe số 500.000 đồng/chiếc, xe ga: 540.000 đồng/ chiếc.
Buổi sáng ở Phan Thiết trước khi ra bến tàu bạn nên ăn sáng đầy đủ, một gợi ý cho bạn là ăn ở quán cơm tấm Mỹ Hồng, quán này được rất nhiều người biết đến bởi hương vị ướp thịt cũng như nước nắm rất ngon. Địa chỉ của quán ở số 198 Trần Hưng Đạo.
Tụi mình đi tàu chậm với giá vé 150.000 đồng/người/lượt, xuất bến tại cảng Phan Thiết lúc 10 giờ sáng, tới đảo Phú Quý khoảng 3 giờ chiều.
Trên đảo hiện chưa có khu nghỉ dưỡng và khách sạn, chỉ có nhà nghỉ, nhà trọ và dạng homestay. Bạn có thể tham khảo một số nhà nghỉ và dạng homestay như: Nhà nghỉ Trường Huy (0963337316), Phú Quý Homestay (0937194908), nhà nghỉ Long Vĩ (0918680344), nhà nghỉ Hoàng Phú (0168643531),…
Tới đảo, tụi mình ở trọ tại nhà nghỉ Hoàng Phú, cũng khá gần bến tàu với giá phòng 2 giường máy lạnh cho 4 người vào khoảng 250.000 đồng/ngày. Giá thuê xe máy trên đảo dao động từ 100 – 120.000 đồng/ngày, tùy vào chất lượng xe, bạn có thể dễ dàng thuê xe ở n nhà nghỉ mình ở, bởi nhà nghỉ nào trên đảo cũng có kèm dịch vụ này. Điểm nhấn đặc biệt khác ở đây là mặc dù là đảo nhỏ, hoang sơ và không bao giờ thấy bóng dáng của cảnh sát giao thông nhưng người dân ở đây lại rất chấp hành luật giao thông. Do vậy, dù chạy xe máy đến bất cứ đâu trên đảo bạn cũng nên nhớ luôn đội mũ bảo hiểm nhé.
Sau khi nhận xe, nhóm tụi mình bắt đầu hành trình khám phá đảo Phú Quý. Đảo Phú Quý có diện tích rộng 17 km², với số dân khoảng 28.000 người, tuy số dân ít là vậy nhưng trên đảo lại có đời sống tôn giáo rất phong phú, trên đảo hiện có 4 tôn giáo chính là: đạo Phật, đạo Tin Lành, Thiên Chúa Giáo và đạo Cao Đài. Đi dạo trên những con đường trên đảo, bạn sẽ rất dễ dàng bắt gặp những công trình tôn giáo hoành tráng với lối kiến trúc ấn tượng, không hề thua kém bất cứ công trình ở các thành phố lớn nào khác.
Điểm đến đầu tiên của tụi tớ là đi tìm quán ăn, thấy quán nào thì tấp đại vào ăn thử, hàng quán trên đảo bày biện tuy đơn giản, nhưng đồ ăn vặt rất nhiều lại vô cùng ngon-bổ-rẻ.
Buổi chiều đầu tiên trên đảo bạn nên chạy xe theo hướng bờ kè Ngũ Phụng và ngắm hoàng hôn tại đây.
Buổi tối trên đảo không có nhiều hoạt động vui chơi, nên các nhóm du khách thường tập trung ăn uống tại các quán ăn sát bờ biển, một gợi ý dành cho bạn là quán Ông Già ở phía sau nhà nghỉ Hoàng Phú, cũng khá gần cảng. Quán ăn này không có địa chỉ cụ thể, nhưng nổi tiếng tới mức, chỉ cần hỏi người dân địa phương ai cũng sẽ nhiệt tình chỉ chỗ cho bạn.
-----------------------------------------------------
Ngày 3: Khám phá đảo Phú Quý
Đây sẽ là ngày khám phá chính trên đảo Phú Quý nên bạn có thể lần lượt ghé thăm và trải nghiệm tại các điểm đến như:
+ Vịnh Triều Dương: Là địa điểm quen thuộc với nhiều người dân địa phương và du khách gần xa, với bãi cát phẳng và rộng, trắng mịn, nước biển trong xanh, trên bờ có một rừng dương rợp bóng rất thích hợp cho du lịch dã ngoại.
+ Bãi Nhỏ – Gành Hang: Là một trong những bãi tắm đẹp của Phú Quý với hình lưỡi liềm được giới hạn bởi những mũi đá nhô ra biển. Bãi cát tuy nhỏ nhưng rất thoáng đãng và yên tĩnh. Nước biển ở đây trong xanh, ít ghe thuyền neo đậu, không khí trong lành, là nơi lý tưởng cho bất cứ du khách nào muốn hòa mình vào với thiên nhiên.
+ Vạn An Thạnh: Tọa lạc trên một bãi cát trắng sát cạnh bờ biển thuộc làng Triều Dương, xã Tam Thanh, huyện Phú Quý. Hiện nay, tại Vạn An Thạnh còn lưu giữ gần 100 bộ xương cốt (gồm cá voi, rùa da). Có thể coi đây là một bảo tàng Hải dương học với những bộ sưu tập phong phú về cá voi.
+ Thăm các hòn nhỏ quanh đảo: Ra đảo Phú Quý mà không thuê một chiếc thuyền nhỏ đi dạo loanh quanh các hòn nhỏ ven đảo thì chuyến đi sẽ Phú Quý không thể xem là trọn vẹn. Đảo có một số hòn như: Hòn Tranh, hòn Đen, hòn Trứng,… Ngồi trên thuyền đi dạo qua các hòn nhỏ quanh đảo bạn mới thấy rõ được sự trong xanh của nước biển nơi đây, bởi nước trong vắt tới mức nhìn thấy cả đáy. Bạn có thể dễ dàng thuê một chiếc thuyền nhỏ ở bến cảng với giá khoảng từ 300.000 – 400.000 đồng tùy số lượng người ngồi. Bạn có thể tham khảo thuê thuyền của cô Hai Đồng Tháp (số ĐT: 0972.031.325).
+ Ngọn Hải Đăng – Núi Cấm: Hải Đăng Phú Quý nằm trên ngọn núi Cấm với độ cao 108m so với mực nước biển, cách cảng 3km về phía Tây thuộc xã Ngũ Phụng. Trên đỉnh núi có ngọn đèn hải đăng thuộc loại lớn nhất Việt Nam.
+ Dinh mộ Thầy Nại: Được xây dựng từ thế kỷ 17, đây được xem là chỗ dựa tinh thần của cư dân vùng biển.
+ Chùa Linh Sơn – Núi Cao Cát: Là một quần thể thắng cảnh đẹp của Phú Quý. Núi Cao Cát được dân đảo xem như ngọn núi thiêng, tọa lạc ở phía Bắc đảo, nơi đây có tượng Phật Bà Quan Âm rất uy nghi được đặt trên đỉnh núi. Từ trên đỉnh Cao Cát, du khách có thể phóng tầm mắt xuống cả một vùng không gian rộng lớn quanh đảo.
-----------------------------------------------------------------
Ngày 4: Đảo Phú Quý – Sài Gòn
Chuyến tàu khởi hành từ đảo Phú Quý quay về Phan Thiết thường xuất bến lúc 6h sáng, nên bạn phải ra bến cảng từ sớm để cho kịp chuyến tàu, tàu về tới Phan Thiết gần trưa, bạn sẽ nghỉ ngơi tại đây và di chuyển về Sài Gòn, kết thúc chuyến khám phá đảo Phú Quý với nhiều trải nghiệm thú vị.
Chi phí tham khảo:
Vé ca nô tham quan Kê Gà: 50.000 đồng/người
Vé tàu khứ hồi ra đảo đi ghế thường, tàu chậm : 300.000 đồng/người
Chi phí xăng xe tự túc: 100.000 đồng/người
Thuê xe máy 2 ngày trên đảo: 100.000 đồng/người
Ăn uống: 500.000 đồng/người
Phòng nghỉ 3 đêm: 350.000 đồng/người
Tiền thuê thuyền đi quanh đảo: 70.000 đồng/người
Chưa tính tiền chi phí phát sinh, mua quà,…
Bạn cần lưu ý thêm là chi phí tham khảo này được tính khi đi cùng nhóm bạn chứ không phải là đi du lịch một mình, tùy vào số lượng thành viên đi cùng mà chuyến đi của bạn có thể tốn nhiều hoặc ít hơn một chút.