Phượt xuyên miền Đông Bắc với những kỉ niệm đáng nhớ …

Nguồn : #ngonhuquynh
Viết cho tôi, những kỉ niệm và trải nghiệm đáng nhớ trong đời...
Viết cho bạn, những ai chưa lần thoát khỏi khuôn khổ an toàn quen thuộc nhưng không ngừng khao khát được bứt phá...
Viết cho cuộc đời, những hàm ơn vì mỗi giây phút trôi qua đều đáng sống...

------------------------------------------
Tôi là người ưa chủ nghĩa xê dịch, đi đó đi đây, nhưng lại là đứa ưa nhàn nhã, chỉ thích resort với chăn êm nệm ấm, ngại gió bụi đường xa.
Thế rồi cơ duyên cuộc đời cho tôi gặp những người bạn ngoài xã hội. Họ có một nhóm, thích đi đó đây, mùa thu vào rừng, mùa đông lên cao nguyên mùa hè đi biển, mùa xuân lên núi, khám phá cuộc sống, không giới hạn nào ngăn bước chân họ, tuổi tác càng chẳng bao giờ là rào cản. Gặp họ tôi thấy tuổi trẻ mình như đứng yên và chẳng dịch chuyển nữa, và từng phút đều vô cùng đáng giá.
-------------------------------------------
Đã từng theo họ cắm trại ở trên cao nguyên lạnh lẽo, vượt những dòng thác cao, chèo thuyền ra biển, nên lần này, tôi bứt phá mình trong một chuyến đi mới - phượt xe máy lên núi đồi Đông Bắc, vào thời điểm lạnh lẽo của tiết xuân.

Trước chuyến đi chừng 1 tuần, công tác chuẩn bị sẽ tiến hành khá chỉn chu. Trưởng đoàn sẽ lo book vé máy bay, đặt khách sạn tại Hà Nội để tập trung quân về, liên hệ chỗ thuê xe máy, bảo trì. Phần mỗi người tự lo trang bị đồ ấm chuyên dụng cho vùng núi, gồm: áo trong, áo ngoài, áo lông, vớ, găng, bịt mặt, giày thể thao, mũ bảo hiểm tốt, khăn, thậm chí cả miếng dán giữ nhiệt, ba lô đựng đồ có thể chống thấm đi trong mưa. Cả bọn mỗi người một nơi nên giữ liên lạc bằng trang FB chung: Tây Bắc Mùa Xuân 2016, cập nhật tình hình cũng như giải đáp thắc mắc cho nhau.

Giờ hẹn đã đến, một sáng mùa xuân se lạnh, cả bọn tập trung tới điểm hẹn, xe đã bảo dưỡng kĩ càng, hành lí cột chặt, mặc đồ kín bưng, mỗi cặp chở nhau trên 1 xe, tất cả 8 xe, 16 người, thẳng tiến lên đường.
------------------------------------------------
Ngày 1: 300km
*Hà Nội - Vĩnh Phúc - Phú Thọ - Tuyên Quang - Hà Giang

Xe chạy nhích ra khỏi Hà Nội chật chội và bắt đầu bon bon ra đường lộ. Tiết trời se lạnh, nắng vàng, trời trong, khiến cả đoàn rất phấn khích nhấn tay ga. Giữ khoảng cách xe trước và xe sau. Lần lượt qua Vĩnh Phúc, rồi tới Phú Thọ, cũng mất gần 3 tiếng đồng hồ, đúng bữa trưa. Đoàn hỏi người địa phương quán nào ngon, được chỉ quán gà 9 phút ngon tuyệt. Bữa ăn đầu tiên trong hành trình làm ai cũng ưng bụng.
Tiếp đủ năng lượng, đoàn lại hăng hái lên đường. Nói là lạnh nhưng riêng hôm ấy trời nóng, giữa trưa đứng nắng mồ hôi ròng ròng. Đi phượt xe máy niềm vui là trải nghiệm cung đường, ngắm cảnh và chuyện trò với bạn đồng hành. Vì đường dài nên bao nhiêu nỗi lòng cứ thế trút ra, có khi sau 1 chuyến đi dễ trở nên yêu nhau hoặc thành tri kỉ nếu hợp gu.

Đoàn cứ đi mãi, hết bao nhiêu cánh đồng, làng mạc, nghỉ chân ở uống nước dừa, rồi lại đi mãi tới khi chiều xuống, trời bắt đầu lạnh khi vào địa phận Tuyên Quang. Tới Hà Giang đã gần nửa đêm, trời lạnh tê tái. Đoàn đi kiếm khu nhà sàn homestay ở chân núi. Đứa nào đứa nấy tay chân đơ hết vì mỏi, vì lạnh.

Nhà sàn là một dạng khu nhà dành cho du khách của người địa phương, có bếp lò, heo gác bếp; trà nóng, những tấm nệm xếp dọc có treo sẵn mùng làm chỗ ngủ đêm. Chỉ có 1 nhà tắm nên phải chia nhau, đợi nhau. Gần 12h khuya mới tới bữa tối quây quần bên nhau trên chiếu. Canh cải, món dồi kiểu Hà Giang, gà luộc, rau trộn. Chờ lâu đồ ăn lạnh hết nhưng do quá đói nên đoàn ăn vô cùng ngon miệng. 1h sáng, đa số đi ngủ, còn ít người ngồi uống rượu với chủ nhà. Đám đi ngủ nằm giỡn rinh rích trong những tấm nệm xếp cạnh nhau, hù doạ sẽ "hiếp" nhau mà rồi mệt quá ngủ li bì

Đêm Hà Giang yên lặng, lạnh lẽo nhưng ấm áp. 300 cây số ngày đầu tiên của chuyến hành trình đã hoàn tất, đường bằng nên cũng ko quá mệt, nghe nói ngày mai bắt đầu lên đèo, cả đoàn háo hức cho ngày mai khám phá Hà Giang.

--------------------------------------------------
Ngày 2: 300km
Hà Giang - Quản Bạ - thị trấn Yên Minh - phố cổ Đồng Văn

Sáng sớm Hà Giang đẹp nên thơ, nắng ấm, hoa cải vàng, những cô gái mặc đồ xanh đỏ đi qua cười thẹn thùng. Chúng tôi đi vòng quanh khám phá rừng hoa dại, giao lưu với các em nhỏ địa phương. Luu luyến tạm biệt vợ chồng anh chủ nhà rồi lên đường. Ghé ăn phở lòng heo ngon số dách một quán ven đường. Chụp ảnh ở kilomet số 0 của Hà Giang. Rồi thẳng tiến Quản Bạ, thăm núi Cô Tiên. Ghé ăn xế ở thị trấn Yên Minh. Rồi chạy miết tới 8h đêm qua những đoạn đường đèo quanh co tối mịt thì tới thị xã Đồng Văn ở độ cao 1300m so với mực nước biển. Lạnh tê tái. Quần tới quần lui kiếm khách sạn, tiêu chí rẻ - tiện nghi. 8 phòng với giá chỉ 230k/ngày. Chúng tôi tắm nước ấm, mặc đồ ấm rồi đi bộ ra phố. Đêm vắng tanh.
Quán dê trứ danh của anh chủ trong ngôi nhà trên 100 tuổi ở phố cổ là điểm đến tối nay.
Cũng gần 11h đêm món dê mới được chuẩn bị xong dọn ra. Chẳng bõ công chờ đợi, đứa nào đứa nấy xuýt xoa ăn ngấu nghiến. Đêm nay cuộc sát phạt tửu lượng bắt đầu. Anh chủ đãi rượu ngô lâu năm, uống ngon tê tái. Khuya, lục tục xiu vẹo kéo nhau về. Đồng Văn lạnh, ngủ ngon khỏi nói.

------------------------------------------------
Ngày 3: 250km
Đồng Văn - Lũng Cú - Mã Pí Lèng - Mèo Vạc - thị trấn Bảo Lạc Cao Bằng.

Buổi sáng các bạn truyền tai nhau, lạnh lắm, mặc nhiều đồ ấm vô. Lại xếp hành lí lên đường. Ăn sáng món cháo ấu tẩu đắng đắng lạ lạ trong phố cổ và thẳng tiến Lũng Cú.
Chẳng bõ công đường xa cùng mấy trăm bậc thang bộ leo muốn toát mồ hôi, địa danh cực Bắc của tổ quốc Lũng Cú hiện ra sừng sững. Phía bên kia là Trung Quốc, bên này là quê hương. Xuống núi chúng tôi ghé ăn món xúc xích nướng nóng hổi, trứng luộc, mì gói. Trời lạnh ăn cái gì cũng ngon.
Bắt đầu lên đường đi lên địa điểm được mong đợi nhất - đỉnh đèo Mã Pí Lèng trứ danh, một trong tứ đại đỉnh đèo hiểm trở hùng vĩ nhất khu vực.
Xe chạy bon bon lên đèo, bên núi bên vực sâu nơi có sông Nho Quế xanh rì đẹp như tranh chảy qua, đây là đường Hạnh Phúc được xây dựng bởi công nhân 16 dân tộc treo mình trên ấy suốt 11 tháng trời. Ko còn lời nào để nói!!!
Dù bị mê hoặc bởi cung đường đèo như chốn bồng lai tiên cảnh này nhưng sợ trời tối nên cả bọn lại vội vã lên đường.
Ngang qua Mèo Vạc thì xe Quang bể bánh, dừng lại sửa ở một làng nhỏ, đám còn lại tranh thủ đi loanh quanh tham quan.
Xe lai chạy miệt mài để kịp tới một chỗ nào đó có khách sạn để nghỉ đêm.
Đi phượt nghĩa là sẽ ko tránh được vài bất trắc nho nhỏ, như xe xì lốp, bể bánh, hành lí rơi, hết xăng, thậm chí như bị ngã xe như đêm ấy bị khi đi gần tới Bảo Lạc.
Đói, khát nước, mệt, nhưng ko ai than thở, vì đã biết có sức chơi có sức chịu.
8h tối, đoàn tới thị trấn Bảo Lạc. Chạy qua chạy lại kiếm khách sạn, quyết định dừng chân ở khách sạn Đức Tài, với giá 250/đêm, khá đủ tiện nghi.
Bữa tối ở thị trấn này đúng là khó quên, tại một tiệm lẩu sắp đóng cửa của anh chủ là thầy giáo dạy Toán. Đám con gái phải vào bếp tự phục vụ. Đêm ấy có tiết mục ca hát giao lưu và cười sái quai hàm bởi gặp phải anh chủ "bựa" chưa từng thấy, có bao nhiêu rượu ngô mang ra đãi hết.
Quá 12h đêm mới về đi ngủ, say lơ mơ cả lũ.
-----------------------------------
Ngày 4: 280km
Bảo Lạc - Hà Quảng - Pắc Pó - thành phố Cao Bằng

Sáng ở Bảo Lạc được khởi động bằng món phở Cao Bằng ăn với dồi heo ở chợ nhỏ giữa thị trấn, lạ miệng, dù vừa ăn vừa sợ...đau bụng. Đoàn lên đường, dự tính thẳng tiến Bản Giốc.
Đi phượt nghĩa là kế hoạch có thể thay đổi, như việc dừng chân tại một bản nhỏ ở vùng núi Hà Quảng nhân dịp có phiên chợ xuân nơi đây.
Vòng vèo qua bao đường núi và đường làng, đoàn rẽ vào bản Gãi, đúng lúc phiên chợ sắp bắt đầu. Gặp trưởng làng nói chuyện. Đi ăn món ốc suối, xoài ngâm, mía rừng, bò nấu vang, n đậu nấu tươi. Chơi cờ người, ném còn. Đi khám phá hang động....Mãi đến xế chiều khi phiên chợ đông đúc dần, đoàn mới rời đi, bụng no nê các thức ăn địa phương.
Đi hết các con đường đất, đoàn tới đường lộ, bon bon chạy vào Pác Pó, nơi Bác Hồ từng sống và làm việc. Suối xanh rì như tranh. Không kế hoạch, mỗi người tự chia nhóm đi thăm thú. Cùng ăn món bánh chưng nướng và trứng luộc ở lối vào bên suối Lênin.
Chiều xuống, đoàn không thế tới kịp Trùng Khánh để lên Bản Giốc như đã định, quyết định ghé nghỉ đêm ở thành phố Cao Bằng.
Sau nhiều ngày đi trong núi trong non về lại đô thị rực rỡ ánh đèn thật chả khác gì người rừng về lại thành phố. Bắt đầu search tìm khách sạn. Cuối cùng chốt hạ ở ka Minh Hoàng bên bờ sông Bằng Giang với giá rẻ hơn mong đợi; 225/đêm.
Đêm ở Cao Bằng cực vui với quán thịt nướng n lề đường trên phố Kim Đồng. Các trò quậy phá điên đảo tập trung hết trong đêm ấy. Ca hát, nhảy nhót, khóc lóc các kiểu.

---------------------------------------------------------------
Ngày 5: 180km.
Cao Bằng - Bản Giốc
Cả đoàn dậy ăn phở rồi đi Bản Giốc, riêng Quỳnh xui xẻo bỏ quên điện thoại ở Bảo Lạc nên ở lại Cao Bằng.
Nghe chúng nó nói đẹp dã man lắm, tiếc thì tiếc vậy thôi. Ở lại Cao Bằng, sáng mình đi bộ loanh quanh như khách lữ hành đơn độc, cũng rất thú. Vừa đi vừa ngắm cuộc sống ở nơi xa xăm thế này, nếu ko có chuyến đi thế này đời nào mình có cơ hội đến nơi này?
Ăn bỏng ngô, ngồi uống cf bên bờ sông Bằng Giang, viết nhật kí, ấy là một ngày tuyệt vời trong hành trình. Trải nghiệm sự một mình.
Đêm cả lũ kia kéo về, nói tội Quỳnh quá, ko đi được Bản Giốc mất nửa cuộc đời, hehe. Cả đám tụ hội lại ăn lẩu ếch trên phố, ko nhậu nhẹt mà chơi "trí tuệ" hơn: quánh bài xì dzách nảy lửa. Cũng gần 1h sáng mới ngủ, thua thắng gì cũng cười sái cả quai hàm.

----------------------------------------------------------------
Ngày 6: 150km
Cao Bằng - Bắc Cạn - Ba Bể
Ăn món bánh cuốn nổi tiếng mềm tan trong miệng ở Cao Bằng xong, cả đoàn lên đường đi Ba Bể.
Đường đi thuận lợi nên chỉ một mạch tới trưa là tới Bắc Cạn. Trong đó có Ba Bể là địa danh nổi tiếng với rừng nguyên sinh và hồ lớn bao quanh bởi núi.
Nghỉ chân ở nhà sàn homestay có tên là Hoành Tứ ở thôn Pác Ngòi, nơi từ chỗ nằm bước ra là một khung cảnh mênh mông của núi non và hồ.
Xếp hành lí vào nhà sàn rộng, có đủ nệm và chăn, ấm áp. Đoàn kéo nhau đi kiếm chỗ ăn nhưng đã quá giờ trưa, quán chỉ còn...mì tôm trứng, kệ, ăn lót bụng.
Lục tục kéo lên tàu đi ngoạn cảnh hồ Ba Bể. Rồi ca hát nhảy múa đùa giỡn loạn xạ trên đó. Ghé qua Ao Tiên mà chẳng có tiên nào, lạng qua lạng lại ăn cá tí hon nướng, rồi về.
Chiều ở Ba Bể yên tĩnh, đẹp như cảnh thần tiên.
Đêm cuối ở Ba Bể, đồ ăn dọn ra thịnh soạn, gà rừng, cá suối, món măng của người địa phương, nhất là rượu ngô. Rượu bắt đầu rót. 100% dzô. Hát ca. Tâm sự loài chim biển tới gần sáng.

------------------------------------------------------
Ngày 7: 180km
Ba Bể - Thái Nguyên - Hà Nội
Gần 10h sáng mới là bình minh của cả đám sau một đêm say như chết. Bữa sáng là mì gói trứng được phục vụ tại bếp lò của người địa phương, có heo treo, bánh gừng mật ong.
Đóng hành lí, thẳng tiến về Hà Nội qua mạn Thái Nguyên. Đường về khá êm, có vài đoạn đèo ngắn, xe chạy bon bon. Đi cùng nhau chặng cuối trong hành trình phượt, qua Thái Nguyên, về Hà Nội n lúc đêm xuống.
Còn kịp uống với nhau vài chai bia ở Tạ Hiện, ăn vài món ngon Hà Nội, rồi mới mùi mẫn ôm ấp để chia tay nhau, kết thúc hành trình.

***
Về lại Saigon rồi mà người vẫn cứ lâng lâng như vẫn đang dập dềnh qua các đoạn đường đèo, bên núi bên sông, trên trời cao dưới chân là vòng xe lăn không ngừng. Phía trước là tay lái, sau lưng là bạn đường. Những quán xá, những nhà nghỉ, những nụ cười, những món ăn dân dã, những rượu ngô rượu gạo.
Không thể nào quên được, một hành trình tuyệt vời. Tổng kết hành trình, chỉ với 4 triệu cộng vé máy bay, mỗi đứa đã có một chuyến đi để đời. Nhiều thử thách về thời tiết, sức khoẻ, tâm lí, cảm xúc, nhưng trên hết sau cùng là những trải nghiệm khó quên, những kỉ niệm về các cung đường đã đi qua, những gương mặt xa lạ trở nên thân thiết như người một nhà.
Ghi lại để nhớ, và mong ước cuộc đời mình lại đủ duyên cho những chuyến đi, những bạn đường, những đam mê còn mãi.

Bình luận
Gửi bình luận